Lợi nhuận từ mua bán người đem lại nguồn thu bất hợp pháp cao thứ ba sau buôn bán ma túy và vũ khí, do đó loại tội phạm này không ngừng có thủ đoạn mới hòng lừa được nhiều nạn nhân. Bên cạnh đó, lợi dụng sự bùng nổ mạng xã hội, tội phạm mua bán người hoạt động gia tăng thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Xu hướng hạn chế tiếp cận nạn nhân được các đối tượng phạm tội sử dụng ngày càng nhiều khiến việc phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.Nhiều đối tượng dùng chiêu bài dụ dỗ kiếm "việc nhẹ, lương cao" tổ chức cho nạn nhân vượt biên, sau đó ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Nếu nạn nhân muốn về nước phải trả tiền chuộc, có thể lên đến 10 nghìn USD.
Vụ án gần đây nhất, vào tháng 2/2023, Huỳnh Thanh Nhơn, 19 tuổi ở thành phố Quy Nhơn (Bình Ðịnh) bị Công an tỉnh Bình Ðịnh tạm giam bốn tháng để điều tra hành vi mua bán người theo Ðiều 150 Bộ luật Hình sự. Tại cơ quan điều tra, Nhơn khai: Tháng 2/2022, lang thang trên mạng tìm việc, Nhơn được một người đàn ông giới thiệu công việc trên máy tính với mức lương 700-1.000 USD/tháng.
Lên Thành phố Hồ Chí Minh theo chỉ dẫn, Nhơn được hướng dẫn cách tạo tài khoản game, sàn giao dịch ảo, lên mạng dụ dỗ, lôi kéo người tham gia, yêu cầu nạp tiền để công ty chiếm đoạt. Sau gần hai tuần, Nhơn mới biết đang ở nước ngoài chứ không phải Việt Nam. Tại đây, mỗi ngày Nhơn cùng nhiều nạn nhân khác đều bị quản lý chặt chẽ, phải làm việc 16 giờ, nếu làm sai hoặc không đạt chỉ tiêu sẽ bị bỏ đói, đánh đập, chích điện. Sau đó, Nhơn bị bán sang một công ty khác, bị ép tiếp tục lừa thêm nhiều nạn nhân. Ðể không bị chủ hành hạ, Nhơn đã lừa bạn thân theo đúng thủ đoạn mình từng dính bẫy.
Theo số liệu của Bộ Công an, giai đoạn 2018-2022, cả nước phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người với 1.240 nạn nhân. Các cơ quan có thẩm quyền đã giải cứu, phối hợp giải cứu 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 nạn nhân từ nước ngoài trở về. Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an kiến nghị khởi tố 386 vụ/808 bị can.
Tuy nhiên, số lượng vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với thực tế. Tại phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết: Tình trạng mua bán người ở trong nước và mua bán nam giới có xu hướng tăng. Một số nơi nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng các tổ chức mang danh thiện nguyện. Ngoài ra, tội phạm lợi dụng quy định về hiến ghép tạng, tìm gặp các nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán nội tạng, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, bán cho người bệnh với giá cao.
Ðiển hình mới đây nhất, vào tháng 11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiếp nhận đơn của một số người dân tố cáo Ðường Khắc Nghĩa và Nông Văn Thức, trú tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai có hành vi môi giới mua bán bộ phận cơ thể người. Qua công tác điều tra cơ bản, các trinh sát phát hiện đối tượng Nghĩa có sự bàn bạc, cấu kết với một số đối tượng, tiếp cận tìm hiểu những người có nhu cầu ghép thận tại các bệnh viện lớn.
Ðồng thời, qua Facebook, Zalo... tìm những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cần tiền trang trải cuộc sống, dụ dỗ họ bán thận. Nghĩa và đồng bọn nhận của những người ghép thận từ 700-900 triệu đồng/trường hợp, trả cho người bán thận từ 350-450 triệu đồng. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Mua bán bộ phận cơ thể người"; khởi tố bị can, tạm giam hai đối tượng trên theo quy định tại khoản 2 Ðiều 154 Bộ luật Hình sự.
Kết quả khảo sát việc chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp tiến hành ở một số địa phương cho thấy, những nguyên nhân hạn chế nêu trên xuất phát từ các quy định của pháp luật liên quan phòng chống mua bán người được ban hành đã lâu, không còn phù hợp thực tiễn. Trong khi đó, quy định pháp luật thiếu sự thống nhất giữa Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống mua bán người gây khó khăn trong quá trình phát hiện, xử lý. Mặt khác, việc chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người ở một số địa phương chưa nghiêm. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và công tác giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng này chưa thật sự đáp ứng yêu cầu.
Ðể nâng cao hiệu quả công tác phòng chống mua bán người trong tình hình mới, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, giải pháp trọng tâm, mang tính chiến lược là sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng chống mua bán người, sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết.
Cơ quan của Quốc hội đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý địa bàn, biên giới, trên biển, xuất nhập cảnh, tạm trú, tạm vắng, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; tăng cường hơn nữa trách nhiệm giải cứu, tiếp nhận nạn nhân. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người đi lao động ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; sớm trình cơ quan có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền, sửa đổi các quy định liên quan chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Nguồn tin: nhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn